Cảm Ơn Những Hy Sinh Thầm Lặng Của Các Y Bác Sĩ Nơi Tuyến Đầu Chống Dịch
Lượt xem: 1108Chọn ngôn ngữ:
Mắt ướt nhòa khi không thể gặp mặt cha mẹ lần cuối; lòng đau nhói nhìn đứa con thơ khóc ngằn ngặt đòi sữa mẹ; lo lắng đến nao lòng cho sức khỏe của người thân mà chẳng thể ở bên chăm sóc… Tất cả những nỗi niềm ấy được họ - những người chiến sĩ áo trắng của nhân dân gói gém và giấu kín trong tim, để tiếp tục kiên cường đứng vững trong cuộc chiến Covid chưa biết ngày nào kết thúc. Những hy sinh thầm lặng ấy chỉ người trong cuộc mới hiểu…
(Nguồn ảnh: Internet)
Đất nước tôi những ngày này, thông tin nóng nhất mà ai ai cũng quan tâm là số ca mắc Covid mới bao nhiêu, ở tỉnh/ thành phố nào, diễn biến dịch bệnh ra sao… Cả dân tộc đều dõi theo từng bước chân của họ - những y bác sĩ trong tuyến đầu đang gồng mình chống dịch.
Những mệnh lệnh từ quê hương truy vết thần tốc, khoanh vùng, dập dịch thật nhanh là điều họ luôn ghi nhớ. Để hoàn thành nhiệm vụ cao cả ấy, họ đã phải trải qua những tháng ngày khắc nghiệt nhất trong cuộc đời, quên đi sức khỏe của chính bản thân mình. Đó là những ngày làm việc xuyên ngày trắng đêm, ăn không đúng bữa, ngủ tính từng giây, toàn cơ thể rã rời và ướt sũng trong bộ đồ bảo hộ, da sạm đi, mắt thâm quầng… Và tất cả vẫn đang trong thời kỳ nóng nhất, chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Họ chỉ biết kiên cường chiến đấu, chiến đấu và chiến đấu.
Nhưng… đằng sau sự cứng rắn, kiên cường ấy là cả một bầu trời tâm sự thầm kín, là những phút yếu lòng rơi lệ, là những hy sinh không lời nào diễn tả. Bởi họ đâu chỉ mang trên vai nhiệm vụ chống dịch! Họ còn là những người con hiếu thảo, là cha mẹ của những đứa trẻ thơ ngây, là trách nhiệm đối với cả một gia đình… Và vô số câu chuyện cảm động đã, đang diễn ra trong thời kỳ dịch dã này.
(Nguồn ảnh: Internet)
Đó là nỗi đau tột cùng khi chẳng thể về tiễn biệt mẹ lần cuối. Là câu chuyện của người mẹ xót xa khi nhìn đứa con thơ 4-5 tháng tuổi ở nhà khóc ngằn ngặt đòi sữa. Là những lo lắng, bồn chồn của người vợ trong vùng dã chiến khi chồng vẫn đang điều trị bệnh nơi quê nhà. Là nỗi buồn của người mẹ chẳng thể ở bên động viên con trước bước ngoặt cuộc đời, trong kỳ thi quan trọng sắp tới… Họ và gia đình thân yêu của mình đã phải hy sinh những niềm hạnh phúc vốn có của bản thân vì cuộc chiến không tiếng súng này.
Để họ vững tâm nơi đầu chiến tuyến thì không thể không nhắc tới sự hy sinh của những người thân nơi quê nhà khi buộc phải trở thành “hậu phương” vững chắc. Và hơn ai hết, chính những đứa con thân yêu của các y bác sĩ ấy sẽ chịu nhiều thiệt thòi hơn cả. Vì Covid, những đứa trẻ thơ không còn được ăn bữa cơm mẹ nấu mỗi ngày, không được cha ân cần hỏi han, không được nghe chuyển kể mỗi đêm, không được cha mẹ ở bên chăm sóc lúc ốm đau… Chúng bị tước đi niềm hạnh phúc giản đơn mà đáng lẽ mọi đứa trẻ đều có quyền được hưởng. Rồi thay vì vô tư lo nghĩ, giờ những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi chơi đã “trưởng thành” hơn, thay cha mẹ chăm em, quán xuyến việc nhà… Tất cả chỉ vì “con ngoan để cha mẹ yên tâm chống dịch nhé”!
(Nguồn ảnh: Internet)
Nếu chúng ta gọi các nhân viên y tế là “chiến sĩ” anh hùng chống Covid thì những đứa con của họ xứng đáng là “dũng sĩ” kiên cường nhỏ nơi hậu phương.
(Nguồn ảnh: Internet)
Đồng hành cùng chiến dịch“Cảm ơn những hy sinh” là bác sĩ Ngô Đức Hùng (bệnh viện Bạch Mai) – một trong những “chiến sĩ” đang tham gia chống dịch tuyến đầu. Chiến dịch“Cảm ơn những hy sinh” cũng là hành động thiết thực tiếp thêm sức mạnh để các nhân viên y tế tuyến đầu vững vàng chiến đấu vì một tương lai đất nước sạch bóng “giặc” Covid.
Tác giả bài viết: Hoàng Quân (Sưu tầm-Trích đoạn)
Xem thêm: Những Chiến Sĩ Áo Trắng