Chú ý: Chào mừng bạn đến với nắng mới yêu thương!

Giao thừa – Ý nghĩa thiêng liêng trong phong tục Tết cổ truyền của người Việt Nam

Giao thừa – Ý nghĩa thiêng liêng trong phong tục Tết cổ truyền của người Việt Nam

Lượt xem: 8382
Chọn ngôn ngữ:

Đã từ lâu trở thành một nét đẹp truyền thống, một phần không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền của người dân Việt Nam, đêm Giao thừa chính là thời khắc thiêng liêng, giao hòa giữa đất trời, vạn vật, khi năm cũ qua đi nhường chỗ cho năm mới, là sự kết thúc của những cái cũ cho sự khởi đầu những điều mới, là sự tiếp nối giữa kỷ niệm trong quá khứ và tương lai phía trước. Thời khắc Giao thừa bắt đầu từ giờ Tý (0 giờ 0 phút 0 giây ngày mùng 1 tháng Giêng). 

Ý nghĩa thiêng liêng của đêm Giao thừa

Đêm Giao thừa là một đêm có ý nghĩa vô cùng quan trọng và thiêng liêng, đánh dấu sự kết thúc một năm, âm dương hòa quyện để vạn vật bừng lên sức sống mới. Một năm mới đến, người già tăng niên tăng thọ, sống mạnh khỏe và người trẻ tràn đầy nhiệt huyết, năng lượng, ngày càng trưởng thành và đạt nhiều thành tích trong công việc, học tập và cuộc sống. Đêm Giao thừa, còn được gọi là đêm Trừ Tịch, mang ý nghĩa xua đuổi tà khí, ma quỷ, mọi điều xấu, rủi ro, xui xẻo trong năm cũ đi và rước nhiều may mắn, tài lộc, thành công đến cho năm mới. Đây cũng chính là khoảnh khắc bình an, đầm ấm, tràn đầy yêu thương khi các thành viên sum họp, quây quần bên nhau cùng đón chờ khoảnh khắc thiêng liêng, giao hòa giữa đất trời, tiễn năm cũ và những điều muộn phiền, không may đã qua để đón nhận những an lành, may mắn và những điều tốt đẹp đang đến trong năm mới. 

*** Phong tục truyền thống đêm Giao thừa của gia đình Việt Nam

Vào đúng giờ chính tý, tức 00 giờ ngày 1 tháng Giêng trong năm, mỗi gia đình đều làm lễ để cúng Giao thừa. Theo phong tục của dân tộc Việt Nam từ cổ xưa, bàn cúng Giao thừa được chia làm 2 mâm: một mâm cúng gia tiên tại bàn thờ ở trong nhà và một mâm cúng thiên địa ở khoảng sân trước nhà.

Cúng Giao Thừa trong nhà

Gia chủ làm lễ cúng bái cầu chúc cho một năm mới tốt lành bằng cách thắp hương từ ngoài trời sau đó khấn vái và thắp vào trong nhà để mang may mắn đến. Trong lễ này tại gia đình, người ta nhắc đến công ơn trời đất, tổ tiên, tạ lỗi cùng cha mẹ, làm hòa với nhau, trút bỏ điều xấu và hứa hẹn những điều tốt đẹp sẽ thực hiện.

Mâm cỗ cúng giao thừa

Ý nghĩa của lễ này là đem bỏ đi hết những điều xấu, xui xẻo, cũ kỹ của năm cũ sắp qua để đón những cái mới mẻ tốt đẹp của năm mới sắp tới. Xưa kia người ta cúng Giao thừa ở đình, ông Tiên chỉ hoặc thủ từ đứng làm chủ lễ, nhưng người ta cũng cúng Giao thừa ở thôn xóm nữa.
Ngày nay, các gia đình thường cúng lễ Giao thừa với sự thành kính như xưa, nhưng bàn thờ thì đơn giản hơn với chiếc bàn nhỏ và mâm lễ vật, có khi lễ vật được đặt trên một chiếc ghế đẩu. Hương thắp lên được cắm vào một chiếc ly đầy gạo hoặc vào một chiếc lọ nhỏ để giữ chân hương. Có nhiều gia đình hương thắp đặt ngay trên mâm lễ, hoặc cắm vào các khe nải chuối dùng làm đồ lễ.

Gà trống tơ luộc
Bánh chưng (miền nam không có cũng được)
Xôi (gấc)
Trái cây (chuối,quít...)
Đèn nến
Vàng mã (ra tiệm vàng mã hỏi cúng trừ tịch hay cúng giao thừa)
Trầu cau (không có cũng được)
Rượu/trà (rượu trước sau đến trà)
Một chiếc mũ chuồn mua của hàng mã (giống trong Tuồng Chèo), chính là mũ để cúng tế vị thần.
Nhang đèn

Mâm cỗ cúng Giao thừa gồm những gì

Theo "Văn khấn nôm truyền thống", tục xưa tin rằng, mỗi năm có một vị Hành khiển coi việc nhân gian. Hết năm thì vị thần này bàn giao công việc cho vị thần kia, nên người dân tổ chức cúng tế để tiễn đưa Thần cũ, đón rước Thần mới.
Thời điểm bàn giao công việc giữa 2 vị Hành khiển cùng các Phán quan (giúp việc cho Hành khiển) diễn ra hết sức khẩn trương. Hơn nữa các vị này là các vị thần cai quản không phải riêng cho một gia đình nào đó mà là mọi công việc dưới trần gian, nên việc làm lễ "Tống cựu nghênh tân" các vị Hành khiển và Phán quan giữa năm cũ và năm mới phải được tiến hành không phải ở trong nhà mà là ở ngoài trời (sân, cửa).

Mâm cỗ cúng Giao thừa ngoài trời

Mười hai vị Hành khiển và Phán quan lần lượt gồm:
1. Năm Tý: Chu Vương Hành Khiển, Thiên Ôn Hành Binh chi Thần, Lý Tào Phán quan.
2. Năm Sửu: Triệu Vương Hành Khiển, Tam thập lục phương Hành Binh chi Thần, Khúc Tào Phán quan.
3. Năm Dần: Ngụy Vương Hành Khiển, Mộc Tinh chi Thần, Tiêu Tào Phán quan.
4. Năm Mão: Trịnh Vương Hành Khiển, Thạch Tinh chi Thần, Liêu Tào Phán quan.
5. Năm Thìn: Sở Vương Hành Khiển, Hỏa Tinh chi Thần, Biểu Tào Phán quan.
6. Năm Tỵ: Ngô Vương Hành Khiển, Thiên Hải chi Thần, Hứa Tào Phán quan.
7. Năm Ngọ: Tấn Vương Hành Khiển, Thiên Hao chi Thần, Nhân Tào Phán quan.
8. Năm Mùi: Tống Vương Hành Khiển, Ngũ Đạo chi Thần, Lâm Tào Phán quan.
9. Năm Thân: Tề Vương Hành Khiển, Ngũ Miếu chi Thần, Tống Tào Phán quan.
10. Năm Dậu: Lỗ Vương Hành Khiển, Ngũ Nhạc chi Thần, Cự Tào Phán quan.
11. Năm Tuất: Việt Vương Hành Khiển, Thiên Bá chi Thần, Thành Tào Phán quan.
12. Năm Hợi: Lưu Vương Hành Khiển, Ngũ Ôn chi Thần, Nguyễn Tào Phán quan.
Trong các bài văn khấn giao thừa, khi dâng hương ngoài trời đều khấn danh vị của các vị quan Hành khiển cùng các vị Phán quan nói trên. Năm nào thì khấn danh vị của các vị ấy.

Sau khi cúng Giao thừa ở nhà xong, có nhiều người sẽ đi lễ các đình, chùa, miếu, điện để cầu phúc, cầu may, để xin Thần, Phật phù hộ độ trì cho bản thân và gia đình trong năm mới. 

Đi lễ đền, chùa đêm Giao thừa

Vào lần ra khỏi nhà đầu tiên, thường là khi đi lễ, người ta chọn giờ và hướng xuất hành hợp với năm tuổi và đi đúng hướng đúng giờ để gặp may mắn quanh năm. Ngày nay, người ta vẫn đi lễ nhưng ít người chọn giờ và chọn hướng như trước nữa.

Đi lễ đình, chùa, miếu, điện xong người ta có tục hái trước cửa đình, cửa đền một cành cây gọi là cành lộc mang về ngụ ý là "lấy lộc" của Trời đất, Thần Phật ban cho. Cành lộc này được mang về cắm trước bàn thờ cho đến khi tàn khô.

Hái lộc đêm Giao thừa

Thay thay vì hái lộc là một cành cây sau khi đi lễ, nhiều người lại xin lộc tại các đình đền chùa miếu bằng các đốt một nắm hương hoặc một cây hương lớn, đứng khấn vái trước bàn thờ, rồi mang hương đó cắm tại bình hương bàn thờ Tổ tiên hoặc bàn thờ Thổ Công ở nhà. Ngọn lửa tượng trưng cho sự phát đạt. Lấy lửa tự các nơi thờ tự mang về, tức là xin Phật Thánh phù hộ cho được phát đạt tài lộc quanh năm.
Trong lúc mang hương từ nơi thờ tự trở về, nhiều khi gặp gió, hương bốc cháy, người ta tin đó là một điềm tốt báo trước sự may mắn quanh năm. Thường những người làm ăn buôn bán hay xin hương lộc tại các nơi thờ tự.

Đêm Giao thừa - Đón Giao thừa

Thường cúng Giao thừa ở nhà xong, người gia chủ mới đi lễ đền chùa. Đối với các gia đình muốn tự xông nhà, người ta thường chọn một người dễ vía, hợp tuổi ra đi từ lúc chưa đúng giờ trừ tịch, rồi khi lễ trừ tịch tới thì dự lễ tại đình chùa hoặc ở thôn xóm, sau đó xin hương lộc hoặc hái cành lộc về. Lúc trở về đã sang năm mới, người này sẽ tự xông nhà cho gia đình mình, mang về gia đình sự tốt đẹp quanh năm.
Đối với các gia đình khác, người ta phải nhờ một người trong thân bằng cố hữu tốt vía để sớm ngày mồng một Tết đến xông nhà, trước khi có khách tới chúc Tết, để người này đem đến sự dễ dãi may mắn cho gia đình.

 Xem thêm: Đêm Giao Thừa - Màn Pháo Hoa Tuyệt Đẹp Đón Tết Nguyên Đán 2020


Bình luận

Thể loại

Thống kê truy cập

Hiển Thị từ 18:00 ngày 27/03/2020 đến nayTruy cập