Gói bánh Chưng đón Tết cổ truyền vừa đẹp, vừa khéo, vừa ngon
Lượt xem: 3453Chọn ngôn ngữ:
Trong mâm cỗ Tết cổ truyền của người Việt Nam từ bao đời nay, bánh Chưng chính là món ăn tâm điểm, không thể thiếu, là đại diện cho nét đẹp văn hóa thiêng liêng trong tâm hồn và trái tim của dân tộc Việt Nam. Một loại bánh mang đậm vẻ đẹp và ý nghĩa kỳ diệu từ truyền thuyết Lang Liêu xa xưa, loại bánh trở thành biểu tượng thân thuộc giao thoa giữa cỏ cây, và động vật, là sự hòa hợp giữa đất với trời. Hơn cả cao lương mĩ vị thơm ngon, bánh Chưng không chỉ đậm đà mang hương vị dân dã của quê hương, đất nước Việt Nam mà còn giản dị, cao đẹp như chính cốt cách của những con người đất Việt. Bởi vậy, nắm được bí quyết để gói bánh Chưng vừa đẹp, vừa khéo léo lại thơm ngon chính là cách làm cho ngày Tết cổ truyền của mỗi người dân Việt Nam thêm phần thiêng liêng, ấm áp và trọn vẹn.
Nguyên liệu gói bánh Chưng
Đây là khâu quan trọng đầu tiên để gói bánh Chưng được đẹp và ngon. Vậy, những nguyên liệu cần thiết để gói bánh Chưng là gì, cần được chọn lựa như thế nào?
Chọn gạo nếp: Gạo nếp để gói bánh Chưng ngon có thể dùng nếp cái hoa vàng hoặc gạo nếp nương. Loại gạo nếp được chọn phải đều hạt, mẩy, vừa dẻo lại vừa thơm. Sau đó, ngâm gạo ít nhất 8 tiếng, đãi sạch sạn, để ráo nước trước khi gói bánh.
Chọn đỗ xanh: Nhân bánh Chưng sẽ trở nên thơm ngon hơn nếu chọn loại đỗ xanh tiêu, hạt nhỏ, ruột vàng.
Chọn nhân thịt: Có thể dùng thịt ba chỉ hoặc thịt vai lẫn chút mỡ thì mới ngon.
Chọn lá dong, lạt: Chọn lá dong bánh tẻ để dễ gói và cho bánh màu xanh đẹp. Lá dong mua về có thể luộc rồi rửa (nếu muốn gói lá chín giúp bánh lâu bị hỏng) hoặc lá sống rửa kĩ để ráo nước trước khi gói bánh. Chọn lạt dang dẻo, mỏng để gói bánh Chưng.
Chuẩn bị nhân và lá dong gói bánh chưng
Ngâm đỗ xanh trong nước khoảng 2 tiếng cho hạt đỗ nở, sau đó đãi sạch và nhặt bỏ những hạt xấu. Cho thêm một thìa muối, trộn đều rồi nấu chín. Lúc đỗ còn nóng dùng muỗng đánh cho đỗ tơi nhuyễn rồi nắm thành từng nắm có kích thước vừa phải. Tuy nhiên, bạn cũng có thể để nguyên đỗ sống đã ngâm cho nở, vớt ráo nước và xóc muối để gói, nếu không cho đỗ vào nấu chín.
Thịt ba chỉ rửa sạch, thái thành từng miếng to bản, dày khoảng 2 cm, ướp gia vị vừa đủ và một chút hạt tiêu để khi chín, bánh sẽ có vị thơm và cay nhẹ.
Ngâm gạo nếp trước khoảng 2 tiếng trước khi gói. Sau đó vớt ra để ráo nước rồi xóc muối trắng, cần chú ý cho lượng muối vừa đủ tránh bánh bị quá nhạt hoặc quá mặn.
Nếu muốn bánh được xanh và thơm hơn, bạn có thể dùng lá nếp xay nhỏ, lọc lấy nước cốt xanh để ngâm gạo nếp.
Lá dong rửa thật sạch 2 mặt rồi đem phơi chỗ mát, thoáng gió cho ráo nước. Sau đó, dùng dao hoặc kéo tách phần sống lá riêng ra. Lưu ý: một mẹo nhỏ giúp bạn cắt sát vào lá nhưng không làm rách lá là hãy cắt từ giữa lá trở ngược lại phần cuống.
Hướng dẫn cách gói bánh Chưng
Cùng giống nguyên liệu nhưng bánh Chưng của người Việt có hai loại: Loại bánh Chưng vuông, và loại bánh Chưng tròn, dài và cách gói hai loại bánh này có một số điểm khác nhau. Hướng dẫn cụ thể dưới đây sẽ giúp các bạn thứ tự các bước gói sao cho bánh Chưng nhìn đẹp mắt và thơm ngon.
Cách gói bánh Chưng vuông
Bước 1: Khi gói bánh chưng, xếp 4 lá vuông góc như trong hình, 2 lá dưới úp mặt phải xuống (2 lá dưới để như vậy vì khi bọc bánh lại, phần mặt phải sẽ nằm bên ngoài làm cho bánh đẹp hơn), 2 lá trên ngửa mặt phải lên (2 lá trên làm vậy để khi bóc bánh, bánh không bị dính).
Bước 2: Đổ một nửa gạo lên trên, cho một nửa đỗ, xếp nhân thịt lợn rồi cho tiếp nửa đỗ, sau đó là nửa gạo còn lại. Cuộn lá dong lên gói bánh, sau đó bẻ hai đầu cho vuông thành, sắc cạnh. Gói tiếp bằng hai chiếc lá bên ngoài, dùng lạt buộc lại cho chắc.
Bước 3: Lần lượt gấp các lá dong bên phải và trái trước. Lúc gấp phải chắc tay thì bánh chưng mới đẹp được. Giấu các mép thừa của lá vào bên trong, nếu thừa nhiều có thể dùng kéo cắt đi.
Bước 4: Dùng 2 ngón của mỗi tay bóp lá dong của phần trên vào trong, rồi gập lại trong khi các ngón cái vẫn giữ cố định phần lá đã gấp lúc trước. Làm tương tự với đầu còn lại.
Bước 5: Sau khi chiếc bánh đã được hình thành, dùng 4 chiếc lạt để buộc bánh, phần lạt thừa cài gọn gàng vào các lớp lạt. Bạn cũng có thể đặt 4 chiếc lạt ở dưới lá dong ngay từ bước đầu tiên để tránh cho bánh bị xô lệch khi buộc.
Sau khi hoàn thành, bạn dùng hai tay ấn nhẹ xuống để bánh được chặt hơn.
Cách gói bánh Chưng tròn, dài
Bước 1: Chuẩn bị 1 chiếc mâm sạch, rồi đặt 3 dây lạt vào để cách đều nhau. Tùy vào kích thước của lá bánh mà để khoảng cách của các dây lạt cho đều nhau.
Bước 2: Đặt úp 2 lá bánh lên dây lạt, chiều dài lá ngược chiều với dây lạt, lá này chồng lên nửa lá kia.
Bước 3: Lấy 1 bát gạo cho vào giữa 2 lá, san gạo ra cho đều, cho đỗ vào giữa, tiếp tục cho thịt lên, lại lấy 1 thìa cơm đỗ cho lên trên thịt và cuối cùng cho một bát gạo nếp lên trên sao cho nhân không bị hở.
Bước 4: Gấp lá dong theo hình sống lá, vuốt đều vận lá và dùng 1 lạt buộc cố định lại. Nhẹ nhàng bẻ gập phần lá ở góc dưới và dựng đứng chiếc bánh lên.Vỗ nhẹ quanh bánh, sau đó bẻ đầu lá phía trên gập xuống sát thân bánh, dùng lạt buộc cố định lại.
Bước 5: Lộn đầu bánh lại và buộc tương tự như đầu kia.
Công đoạn này đòi hỏi sự khéo tay nếu không bánh sẽ không đều, đầu to đầu nhỏ. Nhưng các bạn đừng lo lắng có thể chiếc bánh đầu tiên gói chưa được đẹp nhưng nếu gói nhiều thì trông bánh sẽ đều và đẹp hơn rất nhiều đấy.
Chú ý: Sử dụng thêm các dây lạt để buộc chặt giàng bánh cho thật chắc. Các bạn chú ý khi san bánh nếu bánh mình gói có đầu to đầu nhỏ thì bạn sẽ san từ đầu to trước như vậy gạo sẽ dồn xuống dưới sẽ làm cho bánh trở nên đều và trông đẹp mắt hơn.
Luộc bánh
– Đặt nồi lên bếp, cho phần sống lá dong đã cắt lúc mới bắt đầu làm xuống đáy nồi, sau đó xếp bánh lên trên. Tiếp theo các bạn cho nước lã vào ngập toàn bộ phần bánh rồi đun lửa to đến khi sôi thì giảm bớt lửa. Chú ý khi nước đã sôi bạn phải để lửa cháy đều tránh bánh bị hấy.
– Chú ý khi luộc nhớ chèn chặt bánh để khỏi bị vỡ vì khi đun bánh nở ra.
– Sau đó, cứ 1 tiếng kiểm tra 1 lần để xem mực nước. Bạn cũng cần chuẩn bị thêm một nồi nước sôi để khi nước trong nồi luộc cạn thì châm thêm nước vào kịp thời. Khi luộc bánh được nửa thời gian thì trở bánh lại, thay nước mới. Nấu trong 8-10 tiếng sẽ vớt bánh ra.
– Sau khi vớt bánh, dùng khăn nhúng nước lã rửa sạch bên ngoài bánh. Dùng tay nặn bánh để bánh được săn chắc trước khi ăn.
Vậy là chỉ cần một chút bí quyết, một chút khéo tay và kiên nhẫn, bạn có thể tự tay gói cho mình và những người thân yêu trong gia đình những chiếc bánh Chưng thơm ngon, và đầy ý nghĩa trong dịp Tết cổ truyền dân tộc rồi.
Chúc các bạn một Năm Mới tràn đầy yêu thương, ấm áp, bình an bên cạnh gia đình và những người thân yêu của mình!
Video Gói Bánh Chưng dịp Tết cổ truyền