Chú ý: Chào mừng bạn đến với nắng mới yêu thương!

Phong tục Tết ông Công, ông Táo – nét đẹp văn hóa tâm linh dân tộc Việt

Phong tục Tết ông Công, ông Táo – nét đẹp văn hóa tâm linh dân tộc Việt

Lượt xem: 1854
Chọn ngôn ngữ:

Hôm nay, cũng như những ngày 23 tháng Chạp mọi năm, người dân Việt Nam lại thành tâm sửa soạn mâm cơm để cúng tiễn ông Công, ông Táo về chầu trời. Đây là một nét đẹp thiêng liêng trong tín ngưỡng tâm linh của dân tộc Việt Nam, đã từ lâu thấm sâu vào truyền thống và tinh thần của người dân Việt. Bài viết này sẽ đưa quý độc giả đi tìm nguồn gốc và ý nghĩa của phong tục độc đáo này.   

mâm cỗ cúng ông Công - ông Táo

Sự tích ông Công – ông Táo


Sự tích kể lại rằng: Trọng Cao là chồng của Thị Nhi. Tuy yêu thương sâu sắc, gắn bó mặn nồng, tha thiết với nhau, nhưng mãi không có lấy một mụn con. Bởi vậy, lâu dần, Trọng Cao sinh ra chán nản, hay kiếm chuyện mâu thuẫn, dằn vặt vợ. Một hôm, chỉ vì một chuyện nhỏ, Trọng Cao kiếm cớ gây thành chuyện lớn, đánh Thị Nhi và đuổi đi.
Thị Nhi bỏ nhà, lang thang đến một xứ khác và sau đó gặp Phạm Lang. Hai người phải lòng nhau, rồi quyết định nên duyên vợ chồng. Phần Trọng Cao, sau khi nguôi giận thì quá ân hận, nhưng vợ đã bỏ đi xa rồi. Day dứt và nhớ Thị Nhi da diết, Trọng Cao lên đường tìm kiếm vợ.
Ngày tháng dần dần trôi qua, Trọng Cao đi khắp nơi tìm kiếm vợ, hết tiền, đồ ăn cũng hết, Cao phải làm kẻ ăn xin dọc đường. Một hôm, Trọng Cao tình cờ tìm xin ăn đúng nhà của Thị Nhi, trong lúc Phạm Lang đi vắng. Nhi sớm nhận ra người hành khất đúng là người chồng cũ. Nàng mời vào nhà, nấu cơm mời chồng cũ. Đúng lúc đó, Phạm Lang trở về. Nhi sợ chồng nghi oan, nên giấu Cao dưới đống rạ sau vườn. Chẳng may, đêm ấy, Phạm Lang nổi lửa đốt đống rạ để lấy tro bón ruộng. Thấy lửa cháy, Nhi lao mình vào cứu Cao ra. Thấy Nhi nhảy vào đống lửa, Phạm Lang thương vợ cũng nhảy theo. Cả ba đều chết trong đám lửa.
Thượng đế thương tình thấy 3 người sống có nghĩa có tình nên phong cho làm vua bếp hay còn gọi là Định phúc Táo Quân và giao cho người chồng mới là Thổ Công trông coi việc trong bếp, người chồng cũ là Thổ Địa trông coi việc trong nhà, còn người vợ là Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa.
Không những định đoạt may, rủi, phúc họa của gia chủ, các vị Táo còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho mọi người trong nhà.
Hằng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp Âm Lịch là ngày Táo Quân lên chầu trời báo cáo tất cả việc làm của con người trong một năm để Thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh cho tất cả loài người dưới nhân gian. 

Tết ông Công - ông Táo
 

Phong tục cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp Âm Lịch hàng năm


Theo truyền thuyết dân gian, cứ mỗi dịp đầu Năm Mới, Táo Quân theo lệnh của Ngọc Hoàng xuống trần gian để làm thần bếp trong coi cuộc sống, hành vi Thiện – Ác của mỗi con người. Sau đó, đến cuối năm, vào ngày 23 tháng Chạp Âm Lịch, ông Táo lại cưỡi cá chép hóa rồng trở về thiên đình để tấu trình với Ngọc Hoàng những việc làm chưa tốt và làm tốt của con người một năm vừa qua để thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh và công bằng. 

Mâm cỗ cúng Táo Quân


Để làm lễ cúng tiễn ông Táo về trời, mỗi gia đình dân Việt đều thành tâm sửa soạn một mâm cơm đầy đủ các món ăn, cùng với hương, hoa, quả, oản, trầu, cau. Cùng với mâm cơm được chuẩn bị cẩn thận, hai bộ vàng mã cũng được dâng lên hai vị Táo ông và một bộ vàng mã cho Táo bà. Sau khi kính cẩn thành tâm cúng tiễn các vị Táo Quân về trời, vàng mã sẽ được đem đi đốt. 

Hàng Mã Táo Quân
 

Lễ cúng ông Táo thường được tiến hành trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp Âm lịch (có thể cúng vào trưa, tối ngày 22 tháng Chạp hoặc sáng 23 tháng Chạp) bởi dân gian quan niệm sau 12 giờ trưa là ông Táo lên chầu trời nên sẽ không nhận được đồ cúng.
Truyền thuyết cho rằng cá chép là phương tiện duy nhất có thể đưa Táo Quân về trời. Bởi thế, vào ngày này, các gia đình đều cúng cá chép.

Cá chép
 

Các gia đình thường mua ba con cá chép thả vào chậu nước đặt cạnh mâm cơm, sau khi làm lễ xong đem ra sông thả, ngụ ý cá sẽ hóa rồng, vượt vũ môn, trở thành phương tiện cho Táo Quân cưỡi về trời.

Vì vậy, trong tâm thức của người dân Việt, ba vị Táo Quân chính là thần bếp trông coi mọi việc làm của gia đình gia chủ và cũng giữ phước đức, lộc tài, an khang cho tất cả các thành viên trong gia đình. Chính vì vậy, phong tục cúng ông Công - ông Táo đã trở thành môt nét đẹp văn hóa tâm linh sâu sắc, độc đáo trong suốt bề dày truyền thống của toàn thể dân tộc Việt Nam.  
 


Bình luận

Thể loại

Thống kê truy cập

Hiển Thị từ 18:00 ngày 27/03/2020 đến nayTruy cập