Tết Đoàn Viên-Trung Thu Đậm Đà Hương Vị Tình Thân
Lượt xem: 779Chọn ngôn ngữ:
"Tùng dinh dinh, tùng tùng tùng dinh dinh
Đây ánh sao vui chiếu xa non ngàn
Tùng dinh dinh, tùng tùng tùng dinh dinh
Ánh sao Bác Hồ tỏa sáng nơi nơi."
Nói đến ngày Tết Trung Thu ở Việt Nam, trong chúng ta có thể nhiều người cho rằng Trung Thu là Tết thiếu nhi. Nhưng, Trung Thu không chỉ là ngày Tết đặc biệt dành riêng cho thiếu nhi, mà trong tâm thức người Việt, đây còn là một dịp vô cùng ý nghĩa và thiêng liêng của tình thân, của mái ấm gia đình. Cứ mỗi dịp Trung Thu về, ai trong chúng ta dù ở quê hương hay xa gia đình đều có chung một cảm xúc bâng khuâng, bồi hồi khó tả. Giây phút ấm áp cùng với cha mẹ và những người thân yêu trong gia đình thưởng thức vị ngọt thơm của những miếng bánh Trung Thu bên ly trà nóng đã tạo nên một nét đẹp rất riêng vào đêm trăng rằm tháng Tám hàng năm.
Tết Trung Thu vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc, được tổ chức vào đêm 15 tháng 8 âm lịch hàng năm khi vầng trăng tròn và sáng trong nhất. Ngày xưa Trung Thu Tại Việt Nam là dịp để những người nông dân tạ ơn Rồng mang mưa tới để giúp mùa màng tươi tốt, bội thu. Tuy nhiên, theo thời gian, Tết Trung Thu dần trở thành dịp lễ từng bừng cho trẻ em nô đùa vui chơi, là dịp để những thành viên trong gia đình đoàn viên, quây quần. Vì vậy, Tết Trung Thu còn được gọi là “Tết đoàn viên”.
Bên cạnh những tích truyện dân gian khác nhau thì có lẽ truyền thuyết về chị Hằng - chú Cuội ở Việt Nam đã trở nên quen thuộc và phổ biến. Chuyện kể rằng, ngày xưa, trên trời có một nàng tiên nữ tên là Hằng Nga, vô cùng duyên dáng, xinh đẹp và chăm chỉ cai quản cả một cung trăng đẹp lung linh.
Một hôm, Ngọc Hoàng tổ chức cuộc thi “Làm bánh ngày rằm” vào ngày rằm tháng 8 - là ngày mà trăng tròn và sáng nhất trong năm, người nào làm được loại bánh ngon nhất, đẹp nhất và lạ mắt nhất sẽ được trọng thưởng bất kỳ điều gì mình mong muốn. Khi xuống trần gian để tham khảo cách làm bánh, Hằng Nga đã gặp được "Cuội" – vốn là một chàng trai chuyên gia "nói dóc".
Ngoài tài "nói dóc", Cuội rất giỏi nấu nướng, cậu thường tự tay làm bánh cho bọn trẻ trong làng ăn nên được các bé rất yêu quý. Hằng Nga biết tin bèn ngỏ ý nhờ Cuội cùng nàng làm ra loại bánh mới. Những chiếc bánh ra lò thơm phưng phức, các em nhỏ ăn vào đều khen rất ngon. Đã đến thời hạn trở về thiên đình, Hằng Nga đem những chiếc bánh chưa đặt tên thật ngon về dự thi.
Thế nhưng Cuội vì lưu luyến không muốn rời xa Hằng Nga nên đã nắm chặt lấy tay nàng và thật kì lạ, có một sức mạnh siêu nhiên nào đó đã kéo chàng cùng cây đa đầu làng lên cung trăng. Trên thiên đình, mỗi khi nhớ trần gian, Cuội leo lên ngọn đa sẽ nhìn thấy tất cả. Về phần Hằng Nga, món bánh độc đáo của nàng đã giành giải nhất và được Ngọc Hoàng đặt tên là "bánh Trung Thu" và ban cho nàng một điều ước.
Nàng ước rằng mỗi năm đến dịp ngày rằm tháng 8 sẽ được cùng Cuội xuống trần gian để ban phát niềm vui và nô đùa cùng các em nhỏ. Điều ước được Ngọc Hoàng chấp thuận. Và như vậy, cứ đến rằm tháng Tám hàng năm được gọi là "Tết Trung Thu" - dịp tết vui chơi của các em nhỏ.
Theo phong tục của người Việt, vào ngày này bố mẹ bày cỗ cho các con để mừng Trung Thu, mua và làm đủ thứ lồng đèn thắp bằng nến để treo trong nhà và để các con rước đèn. Cỗ mừng Trung Thu gồm bánh mâm ngũ quả với các loại quả quen thuộc như bưởi, na, bánh Trung Thu, kẹo, mía và các thứ hoa quả khác nữa.
Trung Thu cũng là dịp để con cái hiểu được tình yêu thương và sự quan tâm ân cần của cha mẹ đối với mình, tình cảm của cha có thể được thể hiện qua việc ngồi tỉ mẩn làm đèn lồng cho con, rồi cùng con đi rước đèn. Mẹ thì tất bật chuẩn bị mâm cỗ đầy đủ cho con phá cỗ đêm rằm với chúng bạn hay mua cho con thêm tấm áo mới!
Cũng trong dịp này người ta mua bánh Trung Thu, trà, rượu để cúng tổ tiên, biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng cũng như tri ân những người mà chúng ta biết ơn. Đây chính là dịp tốt để con cháu tỏ lòng hiếu kính với cha mẹ, các bậc bề trên.
Bên cạnh đó, người Việt còn tổ chức múa Sư Tử hay múa Lân trong dịp tết Trung Thu bởi con Lân còn được coi là biểu tượng của sự may mắn, của điềm lành.
Thời xưa, người Việt ta còn tổ chức hát trống Quân trong dịp tết Trung Thu. Điệu hát trống quân theo nhịp ba “thình, thùng, thình”. Vào đêm hội này, trai gái sẽ dùng điệu hát trống quân để hát trong những đêm trăng. Những điệu hát duyên đối đáp nhau vừa là dịp để vui chơi, làm quen và cũng là lúc để kén chọn bạn đời.
Ban đầu, tết Trung Thu vốn là dịp để ta thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên, ăn bánh và uống trà ngắm trăng rằm vào giữa tiết Thu. Dần dần tết Trung Thu trở thành tết trẻ em, nhưng người lớn cũng dự phần trong đó. Các em có dịp vui chơi rước đèn, ca hát, phá cỗ do cha mẹ anh chị bày cho và đặc biệt đây là dịp ăn bánh kẹo thoải mái mà không bị cha mẹ quở trách.
Trước đây, cứ đến tết Trung thu là trẻ em thường tụ tập cùng xách đèn đi khắp xóm và hát vang những bài hát về Trung Thu. Ngày nay, những hình ảnh ấy dần ít đi, thay vào đó là hình ảnh các bậc cha mẹ dẫn con cái đến các công viên, các chương trình ca múa nhạc, các trung tâm thương mại,…
Nhưng dù tết của ngày xưa hay bây giờ thì Trung Thu vẫn sẽ mãi là một trong những ngày đáng nhớ nhất của tuổi thơ. Dù có bao nhiêu đổi thay, chúng ta ai rồi cũng lớn dần theo năm tháng, Trung Thu vẫn sẽ mãi là dịp tết đoàn viên, là ngày con cái cùng ngồi bên cha mẹ phá cỗ, ngắm trăng và chia sẻ những câu chuyện về cuộc sống, học hành, hay những cảm xúc ấm áp, hạnh phúc.
Trung Thu năm nay hẳn sẽ là một tết đoàn viên có ý nghĩa với nhiều người lắm.
Tết Trung thu này, hãy trở về về nhà nhé! Trở về để được ấm áp trong vòng tay mẹ cha, và quây quần, sum họp cùng những người thân yêu. Về để được gần gũi với mái ấm thân thương, về để được phá cỗ rước đèn, sống lại tuổi thơ lần nữa, về để ăn những chiếc bánh đủ hình thù bên con người mà các bạn trân quý. Về để thấy, Tết đoàn viên này ấm áp biết bao!
Chúc tất cả các bạn sẽ có một Trung Thu nhiều ý nghĩ, vui chơi bên bạn bè, người thân, người thương vui vẻ, ấm áp, và bình an!