Chú ý: Chào mừng bạn đến với nắng mới yêu thương!

"Thương Nhân Việt Nam Xưa"-Câu chuyện nhân ngày Doanh Nhân Việt Nam

"Thương Nhân Việt Nam Xưa"-Câu chuyện nhân ngày Doanh Nhân Việt Nam

Lượt xem: 1491
Chọn ngôn ngữ:

“Thương nhân Việt Nam xưa - vấn đề, nhân vật và giai thoại” - cuốn sách của tác giả Nguyễn Thanh Tuyền, là cầu nối xuyên suốt quá trình lịch sử và sợi dây gắn kết "huyết mạch" kinh doanh của các thương nhân Việt Nam từ thời xưa đến nay cũng như khái quát tính cách của giới thương nhân Việt từ thời lập quốc đến khi đất nước rơi vào tay thực dân Pháp với biết bao thăng trầm cùng lịch sử dân tộc.

Thương nhân Việt Nam xưa

Những câu chuyện kinh doanh, triết lý và đạo đức nghề nghiệp mà tiền nhân lưu truyền cho hậu thế là cả kho báu cần được lần giở để suy ngẫm, định hướng cho sự thành công hôm nay và cho mai sau. Có câu “Thành tín, thật thà, người người ngợi ca”. Thời nào cũng tồn tại thương nhân chân chính và gian thương. Nên người xưa răn qua ca dao Việt Nam rằng:

“Tin nhau buôn bán cùng nhau,

Thiệt hơn, hơn thiệt trước sau như lời.

Hay gì lừa đảo kiếm lời,

Một nhà ăn uống tội trời riêng mang.

Theo chi những thói gian tham,

Pha phôi thực giả, tìm đường dối nhau.

Của phi nghĩa có giàu đâu,

Ở cho ngay thật, giàu sang mới bền.”

Thương nhân xưa giao dịch bằng tiền đồng, hiện kim, đất đai… doanh nhân hiện đại chỉ cần vài giây thao tác bởi công nghệ hiện đại đã hoàn thành giao dịch trong kinh doanh. Thương nhân ngày xưa - doanh nhân ngày nay đã khác xa nhau quá nhiều nhưng những bài  học về đạo đức và chữ tín vẫn là phương châm chưa bao giờ lỗi thời.

Nói đến thương nhân là nói đến những người làm nghề buôn bán. Họ đóng vai trò trung gian hay nửa trung gian, đảm nhận nhiệm vụ kết nối giữa người sản xuất với người tiêu dùng. Trong lịch sử Việt Nam, các thương nhân đã xuất hiện từ rất sớm.

Dưới thời Hùng Vương - An Dương Vương, một bộ phận dân cư đã hăm hở theo đuổi nghề buôn. Nhưng liền đó, từ thế kỷ II TCN trở đi, trong hơn 1.000 năm, nước Việt bị Trung Quốc đô hộ (thời kỳ này được gọi là thời Bắc thuộc). Bạo lực, sự đàn áp và âm mưu cột chặt kinh tế nước Việt vào kinh tế Bắc quốc đã tạo nên vòng cương tỏa hết sức ngột ngạt đối với tầng lớp thương nhân. Trôi nổi trong thân phận người dân mất nước, họ thể hành nghề tự do và yên ổn. Giới thương buôn Việt Nam trong thời Bắc thuộc, do vậy chỉ là thiểu số yếu ớt bên cạnh giới Hoa thương luôn thao túng các hoạt động thương mại.

Phải đến đầu thế kỷ X, nước Việt mới giành lại hoàn toàn nền độc lập và chủ quyền quốc gia, mở đầu thời kỳ trung đại trong lịch sử Việt Nam (từ thế kỷ X đến nửa đầu thế kỷ XIX, trước khi thực dân Pháp xâm ược). Trong thời kỳ này, dưới sự cai quản của các chính quyền quân chủ từ nhà Ngô (TK X) đến nhà Nguyễn (giai đoạn nửa đầu thế kỷ XIX), tầng lớp thương nhân dần lớn mạnh, tuy sự phát triển lúc thăng lúc trầm nhưng đã trở thành một lực lượng có vị trí xã hội rất đáng kể, để lại những dấu ấn đậm sâu trong đời sống kinh tế, xã hội và văn hóa.

Thương nhân Việt Nam

Quyển sách Thương nhân Việt Nam xưa - vấn đề, nhân vật và giai thoại là nghiên cứu bước đầu của tác gỉa về giới thương nhân Việt ở thời trung đại, gồm ba phần cụ thể: Phác họa bức tranh chung; Thương nhân trong tiến trình lịch sử; Thương nhân và giai thoại. Cuốn sách bắt đầu bằng việc tìm hiểu: thương nhân Việt có từ bao giờ?; chuyện vui buồn trong hành nghề buôn bán; nhọc nhằn thân phận tiểu thương; đạo đức trong kinh doanh; thương nhân chốn quan trường và sự đóng góp đối với sự ổn định và tiến triển xã hội; cuộc đời và sự nghiệp của một số thương nhân điển hình trong lịch sử; huyền thoại nữ thương gia Bổi Lạng; người phụ nữ Hội An giúp chồng thương nhân phát triển sự nghiệp kinh doanh; diện mạo giới thương buôn Sài Gòn TK XVIII; những thương nhân giúp đỡ Hoàng đế Gia Long trên đường bôn tẩu…

Sách Thương nhân Việt Nam xưa

Chính thương nhân xưa là người khai phá các hoạt động và lĩnh vực buôn bán giao thương giữa các địa phương trong nước lẫn giao thương quốc tế. Thành tựu, hạn chế cùng bài học kinh nghiệm trong quá trình phát triển của họ phần nào cũng là di sản quá khứ của giới doanh nhân thời hiện đại. PGS-TS. Trần Thuận nhận định, cuốn sách Thương nhân Việt Nam xưa - vấn đề, nhân vật và giai thoại là món quà quý và hữu dụng cho giới doanh nhân, bởi nó đã phác họa được bức tranh chung với những nét chấm phá “một số vấn đề xuyên suốt trong tiến trình vận động của tầng lớp thương nhân” Việt Nam, qua đó “khắc họa phần nào diện mạo của tầng lớp thương nhân” trong từng giai đoạn lịch sử với những vấn đề cốt yếu trong đời sống xã hội, cũng như câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp của một số thương nhân tiêu biểu, giúp người đọc “hiểu thêm về nghề, về đời mà họ phải lặn ngụp vươn lên”.


Bình luận

Thể loại

Thống kê truy cập

Hiển Thị từ 18:00 ngày 27/03/2020 đến nayTruy cập